Nhắc đến cà phê là nhắc đến Tây Nguyên. Hay nói cách khác, người Việt Nam luôn tự ngầm hiểu rằng mảnh đất badan đầy nắng và gió ấy chính là thủ phủ cà phê của đất nước. Vậy vì sao lại nói như thế hay tại sao cà phê được trồng nhiều ở Tây Nguyên?
Tại sao cà phê được trồng nhiều ở Tây Nguyên? – Xét về địa lý
Cà phê là một loại cây có nguồn gốc từ Châu Mĩ nên không dễ thích nghi với điều kiện đất đai cũng như khí hậu tại Việt Nam. Song Tây Nguyên lại là thiên đường cho cà phê sinh trưởng và phát triển, bởi những yếu tố chính sau:
Thứ nhất, về đất đai, Tây Nguyên là tỉnh duy nhất tại Việt Nam có đất badan với tầng phong hóa sâu, giàu chất dinh dưỡng và phân bố tập trung tại những mặt bằng rộng lớn. Đây chính là chìa khóa để giúp nơi đây có thể hình thành những nông trường và vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước.
Tây Nguyên có diện tích đất badan lớn nhất cả nước
Thứ hai, độ cao lý tưởng của địa hình Tây Nguyên là nhân tố tạo nên sự khác biệt với các khu vực khác. Ở đây có sự phân hóa độ cao rõ rệt từ 400m đến trên 1000m. Trên các cao nguyên dưới 500m, khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho phát triển cây cà phê vối, trong khi tại các cao nguyên trên 1000m thì thích hợp trồng cà phê chè do có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm.
Thứ ba, khí hậu cận xích đạo với một mùa mưa và mùa khô rõ rệt là điều kiện tốt cho trồng, thu hoạch cũng như bảo quản cà phê.
Thứ tư, Tây Nguyên ngoài có lượng mưa tương đối ổn định thì lượng nước từ các sông và nguồn nước ngầm cũng có giá trị thủy lợi to lớn trong phát triển trồng cà phê.
Xét về điều kiện kinh tế – xã hội
Nếu chỉ dựa vào những gì thiên nhiên ban tặng thì không đủ để đưa Tây Nguyên trở thành thủ phủ cà phê của Việt Nam. Yếu tố thuộc kinh tế – xã hội cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Có thể kể một số điểm mạnh của tỉnh như sau:
Về nguồn nhân lực, ngành cà phê tại Tây Nguyên không chỉ thu hút lao động bản địa mà còn hấp dẫn lao động bổ sung từ các vùng khác trong cả nước, hình thành một lực lượng lao động dồi dào.
Vườn ươm cây cà phê tại Tây Nguyên
Về cơ sở vật chất kĩ thuật, không thể phủ nhận sự cố gắng trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê của người dân Tây Nguyên ngày một nâng cao.
Về thị trường tiêu thụ, cà phê là lĩnh vực có nhiều tiềm năng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế tương đối không chỉ lớn mà còn ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, Đảng và Chính phủ rất chú trọng mở rộng và phát triển cà phê Tây Nguyên dựa trên những ưu thế sẵn có của vùng.
Tất cả những lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội là câu trả lời cho câu hỏi tại sao cà phê được trồng nhiều tại Tây Nguyên. Thậm chí, ngày nay, cà phê còn là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn không chỉ của vùng mà còn của cả nước.