Việc có mặt ở trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy cà phê Việt đã có chỗ đứng vững chắc. Tuy nhiên, để cà phê phát triển bền vững, cần phải có chiến lược hợp lý.
Khẳng định vị thế trên thị trường cà phê thế giới
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về thị phần cà phê xuất khẩu với 20,1% thị phần toàn thế giới (giai đoạn 2021 – 2022). Việt Nam đứng đầu về năng suất cà phê, đạt 2,4 tấn/ha.
Cả nước hiện trồng khoảng 710.000ha cà phê; trong đó diện tích cho thu hoạch là 650.000ha, tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của cả nước”. Công cuộc đổi mới và hội nhập thế giới, đem lại nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến cà phê, đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra với thế giới.
Cà phê Robusta của Việt Nam đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,72 triệu tấn, giá trị đạt 4 tỷ USD và nằm trong nhóm nông sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Thương hiệu cà phê Việt Nam ngày càng vang xa, liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín. Mới đây, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Alas đã xếp hạng Cà phê sữa đá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới. Năm 2022, Tạp chí du lịch Canada The Travel đã nêu những quốc gia có cà phê ngon nhất thế giới, trong đó cà phê Việt Nam được nhắc đến đầu tiên. Cà phê Robusta Việt Nam cũng được những tổ chức uy tín như Rainforest Alliance, UTZ và Fairtrade… chứng nhận đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.
Lợi thế phát triển và xuất khẩu cà phê Robusta
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê vối Robusta lớn nhất thế giới (chiếm 90% tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam). Khác với cà phê chè (Arabica) và cà phê mít (Liberia), cà phê Robusta có giá thành rẻ hơn rất nhiều, đây là lợi thế để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Sự chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta trong bối cảnh suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng chuyển từ tiêu dùng Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn có thể sử dụng cà phê. Thay vì cắt giảm hoàn toàn việc sử dụng cà phê để tiết kiệm chi tiêu trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch từ thưởng thức tại cửa hàng sang pha chế tại nhà.
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu có thể sẽ suy yếu nhưng không tập trung vào Robusta, và vẫn là một thông tin tích cực đối với cà phê Robusta ở thời điểm hiện tại. Theo dự báo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Việt Nam tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023 – 2033. Bên cạnh đó, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil, Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.
Với lợi thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, cũng là nước xuất khẩu loại cà phê hòa tan lớn thứ 3 thế giới, sự chuyển dịch từ việc tiêu thụ cà phê hạt sang cà phê hòa tan cũng như cà phê có giá thành rẻ hơn như Robusta, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần trên thị trường cà phê.
Hiện, cà phê Robusta của Việt Nam đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Từ những “thị trường khó tính” như: Đức, Pháp, Italia, Mỹ,… cho đến những thị trường bình dân đã và đang tăng cường sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam. Điều đó khẳng định sự tin tưởng cũng như nhu cầu thưởng thức cà phê Việt Nam ngày càng tăng cao. Không chỉ giá thành rẻ so với cà phê chè và cà phê mít, cà phê Robusta Việt Nam còn có rất nhiều lợi thế khác, trong đó chất lượng dần được khẳng định đã thuyết phục được người tiêu dùng.
Vẫn còn nhiều thách thức
Phát biểu tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, cũng là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện đa phần các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn có quy mô nhỏ, chế biến thô với trang thiết bị máy móc đơn giản. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh và an ninh thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, lạm phát thế giới tăng cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê”.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhận định: “Tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn rất lớn, ngành chức năng và doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra những giải pháp thích hợp, như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu, tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu”.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, xuất khẩu cà phê không chỉ là câu chuyện buôn bán thông thường, mà còn thể hiện giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Vì vậy, để cà phê Việt Nam chinh phục thị trường thế giới, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương trong việc vạch định ra những chiến lược lâu dài trong xuất khẩu sản phẩm cà phê.
Cần xây dựng các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu, từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của Việt Nam. Không những vậy, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê cần định hướng phát triển phù hợp với thực tế, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Cần phải tạo những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực Việt Nam, góp phần lan tỏa thương hiệu cà phê Việt ra khắp thế giới.